Các thức uống phổ biến về cà phê

Các thức uống phổ biến về cà phê

Cà phê đã trở thành thức uống phổ biến trong menu của khắp các quán cà phê trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Bạn có thể bắt gặp hình ảnh từ cụ già đến những tầng lớp thanh niên trẻ tuổi ngồi nhâm nhi bên ly cà phê sáng ở bất cứ con phố nào và nghĩ suy công việc cho ngày mới.
Quen thuộc với chúng ta nhất chính là các loại cà phê đen, cà phê nâu được pha với sữa nồng đượm hay kết hợp cùng sự thanh thanh của đường. Hớp một ngụm cà phê đắng nơi đầu lưỡi, sau đó là vị chua chua, nhưng lại ngọt nơi cuống họng, cảm giác hưng phấn và tỉnh táo dâng trào. Để pha chế được những tách cà phê thơm ngon, không thể không kể đến công sức của những người thợ rang cà phê. Được xem như một thứ nghệ thuật khó cưỡng, những tách cà phê rang xay được tạo ra từ bàn tay điêu luyện cùng kinh nghiệm lão làng và cái tình với cà phê mà không phải ai cũng cảm nhận được của những người thợ thực thụ.
Ở thời điểm trước kia thì Việt Nam chuộng cà phê nguyên chất hơn, nhưng ở hiện tại xu hướng thưởng thức cà phê đang dần thay đổi. Sự dịch chuyển này diễn ra khi nước ta tiếp xúc với những nền văn hóa mới, đặc biệt là văn hóa ẩm thực Pháp, Ý – những cái nôi sản sinh ra thứ thức uống kì diệu này. Những loại cà phê như cà phê espresso, latte, capuchino… được pha bằng máy, bằng cách dùng nước nóng nén dưới áp suất cao, qua bột cà phê được xay mịn. Pha chế bằng phương pháp này sẽ rất nhanh tiết kiệm thời gian, hàm lượng cafein sẽ bị giảm, nhưng sẽ có mùi thơm rõ ràng hơn, nồng hơn, tươi hơn cà phê phin và trên mặt có một lớp bọt màu nâu (crema) góp phần quan trọng trong việc tạo hương thơm cho cà phê.

Cà phê sạch, cà phê bẩn

Khái niệm cà phê sạch, cà phê bẩn mới được nhắc đến và tranh luận gay gắt trong thời gian gần đây, khi mà thứ nước đen xì, đặc sánh, pha trộn đủ thứ bột ngô, bột năng, chất tạo bọt và hương liệu được gọi là cà phê và đánh lừa vị giác của khách hàng.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta pha trộn thêm tạp chất vào cà phê để tạo ra ly “cà phê giả” này. Trước đây, việc trồng cà phê còn nhỏ hẹp, năng suất chưa cao, giá thành lại đắt nên để cho ra một ly cà phê sạch, chủ quán buộc phải đội giá trên trời. Như vậy, khó có ai “dám” thưởng thức một ly cà phê đắt đỏ như vậy. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, họ đã nghĩ ra cách dùng lại bã cà phê đã pha, trộn với hạt ngô rang cháy với kỹ thuật hãm nổ, kết hợp với nước hạt cau để lấy chất tannin có vị đắng chát giống cà phê.
Hiện đại hơn, con người còn pha tạp thêm các loại bột khác, bơ, chất hóa học tạo bọt, và vài giọt dầu hương liệu Trung Quốc là đã có một ly cà phê đậm đặc, sóng sánh, uống vào mất ngủ cả đêm. Và cứ như thế, khẩu vị của chúng ta cũng trở nên quen và chấp nhận uống thứ nước được gọi là cà phê đó.
Dường như, thói quen uống cà phê đó đã ăn sâu vào suy nghĩ từng người mà không biết rằng sức khỏe mình đang ngấp nghé vực nguy hiểm. Họ bài trừ cà phê sạch vì nó loãng, nó không được đen sánh, không có mùi hương liệu và không tạo được vị đắng chát như mong muốn. Vớt vát lại, những người sành cà phê, những người biết thưởng thức và những nhà kinh doanh cà phê có tâm, vẫn mong muốn mang đến cho cộng đồng một nét văn hóa cà phê sạch. Không chỉ để loại bỏ thứ nước cà phê đen xì, độc hại mà còn để quảng bá cho thứ cà phê tuyệt hảo của Việt Nam.
(ST. Cà phê và cuộc sống)
CAFE.NET.VN

CONVERSATION

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lên đầu
trang